Chống đầu cơ, trục lợi vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19
Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Tổ công tác 970) đã có văn bản số 26/BNN-TCT gửi UBND các tỉnh, thành phố Nam bộ về việc tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19.
Cụ thể, Tổ công tác 970 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Cục Quản lý thị trường, thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp các sở, ban, ngành và thành viên BCĐ 389 của tỉnh, UBND các huyện đẩy mạnh công tác kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và chất lượng phân bón trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Tổ công tác 970 cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao Cục Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời.
Một số mặt hàng, có phân bón, tăng giá liên tục, khiến nông dân bị ảnh hưởng
Tổ công tác cho biết, vật tư nông nghiệp gặp khó khăn trong khâu lưu thông tại các địa phương giãn cách xã hội. Một số mặt hàng, trong đó có phân bón, tăng giá liên tục từ đầu năm 2021, khiến nông dân bị ảnh hưởng trong quá trình sản xuất.
Ngày 7/8/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã có báo cáo gửi Tổ công tác, trong đó nêu nguyên nhân chính của việc tăng giá phân bón là do giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao. Cục Bảo vệ thực vật cũng dự báo, giá phân bón trong nước cũng như trên thế giới từ giờ đến cuối năm 2021 duy trì ở mức cao.
Văn bản số 26/BNN-TCT nêu rõ, tình hình giá vật tư đầu vào tăng cao; việc kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thực phẩm; tình trạng đầu cơ, tích trữ tạo khan hiếm giả tạo để tăng giá thu lợi... đang là vấn đề bức xúc, làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, môi trường và sức khỏe người dân.
Để sớm ổn định sản xuất, Tổ công tác 970 đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, nhưng cần tránh gây phiền hà cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẵn sàng đứng ra làm đầu mối, phối hợp với Tổ công tác của Bộ Công Thương để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Nguồn GDTĐ