Cập nhật Covid-19 ngày 26/4: 'Vỡ trận' Ấn Độ chìm trong tang thương, biến thể lan sang châu Âu; dịch ở Đông Nam Á phức tạp

Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, lần lượt là 32.824.013 ca nhiễm và 586.148 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với 17.306.300 ca trong đó có 195.148 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 390.925 ca trong số hơn 14,3 triệu ca nhiễm.

Xét theo khu vực, châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã có hơn 43,9 triệu ca nhiễm và hơn 998.000 ca tử vong. Tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ với 37.962.081 ca nhiễm và 855.552 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba với 37.042.074 ca nhiễm và 495.503 ca tử vong. Châu Phi và châu Đại Dương lần lượt ghi nhận hơn 4,5 và 62.368 ca nhiễm, trong đó, số ca tử vong tương ứng là 120.443 và 1.187 trường hợp.

* Tại châu Á, tình hình dịch bệnh tại nhiều nước đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là ở Ấn Độ.

Tính đến ngày 26/4, nước này đã trải qua 5 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, ngày sau cao hơn ngày trước và số ca tử vong theo ngày cũng liên tục lên mức cao mới, trong khi nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và oxy.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục, với lần lượt 354.531 và 2.806 ca.

Trước tình hình này, Mỹ, Pháp và Anh đã thông báo sẽ hỗ trợ các thiết bị y tế cho Ấn Độ. Mới đây nhất, Đức cũng đã thông báo sẽ gửi các thiết bị hỗ trợ quốc gia Nam Á này.

Trước tình hình trên, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal đã quyết định gia hạn thêm 1 tuần lệnh phong tỏa tại thành phố này nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Theo ông Kejriwal, phong tỏa là "vũ khí cuối cùng" mà chính quyền có để đối phó với làn sóng dịch bệnh, song do ca nhiễm tăng nhanh nên chính quyền buộc phải dùng tới.

Thống kê cho thấy chỉ riêng tháng trước, số ca nhiễm mới trong một ngày tại nước này đã tăng tới 8 lần, trong khi số ca tử vong tăng gấp 10 lần. Hiện tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ đã vượt 16,96 triệu người, trong đó 192.311 người không qua khỏi.

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang cùng các bộ phận liên quan nghiên cứu xây dựng một bộ quy tắc riêng áp dụng cho vận động viên và đoàn thể thao nước ngoài, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trước nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khi tham dự Thế vận hội Tokyo 2020.

Đông Nam Á, giới chức nhiều nước đang hết sức cảnh giác trước tình trạng số ca nhiễm mới gia tăng.

Hiện Lào đang tăng cường năng lực ứng phó với dịch bệnh như tăng số phòng điều trị bệnh nhân nặng, xây dựng bệnh viện dã chiến, kêu gọi người dân hạn chế ra đường và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp y tế phòng dịch.

Ban chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống Covid-19 chiều 25/4 xác nhận nước này có thêm 76 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 64 ca ở thủ đô Vientiane...

Điều đặc biệt lo ngại là số tỉnh có ca mắc mới ngày một tăng, cho thấy bệnh dịch đang có xu hướng lan rộng tại Lào, trong đó có nhiều tỉnh tiếp giáp Việt Nam (Lào và Việt Nam mỗi bên có 10 tỉnh tiếp giáp nhau). Đến thời điểm hiện tại, đã có 16/18 tỉnh/thành của Lào thực hiện phong tỏa và giới nghiêm.

Trong khi đó, Ủy ban về các bệnh truyền nhiễm của Thái Lan đã quyết định đình chỉ việc tiếp nhận tất cả những người nước ngoài từ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm một biến thể của virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện.

Theo báo cáo mới nhất, trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 2.438 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 11 ca tử vong do Covid-19. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong trong ngày là số có hai chữ số.

Như vậy, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 55.460 ca nhiễm và 140 ca tử vong.

Trước nguy cơ thiếu giường bệnh dành cho bệnh nhân Covid-19, các cơ quan chức năng của Thái Lan đang chạy đua với thời gian để nâng khả năng tiếp nhận với mục tiêu chính là tăng số giường ICU điều trị bệnh nhân nặng, thành lập các bệnh viện dã chiến và chuyển đổi một số khách sạn thành bệnh viện-khách sạn dành cho những bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Bộ Y tế Thái Lan cũng đã phải tính đến phương án cho phép các bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ được tự cách ly và điều trị tại nhà, dành các giường bệnh ở bệnh viện cho bệnh nhân nặng và giảm sức ép đối với hệ thống y tế.

Tại Campuchia, dịch đã lan ra khắp 22/25 tỉnh thành của Campuchia, trong đó tỉnh Banteay Meanchey giáp giới với Thái Lan lần đầu tiên đã công bố một số điểm nóng dịch bệnh.

Theo số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố chiều 25/4, số ca nhiễm mới theo ngày ở nước này vẫn ở mức 3 chữ số, với 616 trường hợp.

Trong khi đó, Malaysia, Indonesia và Philippines tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới, phần lớn là lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong tuần tới, lực lượng chống Covid-19 liên ngành của Philippines sẽ đưa ra quyết định về gia hạn hay nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại khu vực thủ đô Manila cùng 4 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao. Dự kiến, lệnh phong tỏa phòng dịch sẽ kết thúc vào ngày 30/4.

* Tại châu Âu, Pháp có số ca nhiễm cao nhất (hơn 5,4 triệu ca) trong khi Anh có số ca tử vong cao nhất (127.428 ca). Sau Pháp, Nga và Anh hiện có hơn 4,4 triệu ca nhiễm, trong khi Italy, Tây Ban Nha và Đức đều đã hơn 3,2 triệu ca.

Đáng lo ngại, Thụy Sỹ đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ. Ca bệnh này là một hành khách quá cảnh hàng không tại Thụy Sỹ và không đến trực tiếp từ Ấn Độ.

Hiện nhà chức trách Thụy Sỹ đang tiến hành tham vấn về việc liệu có đưa Ấn Độ vào danh sách các nước có nguy cơ cao, theo đó, người dân đến từ quốc gia Nam Á này sẽ phải cách ly ngay tại điểm đến.

Cùng ngày, Italy cũng đã áp đặt hạn chế đi lại với Ấn Độ, cấm những người từng ở Ấn Độ trong 14 ngày qua nhập cảnh quốc gia châu Âu này. Công dân Italy chỉ được phép trở về từ Ấn Độ khi có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính tại điểm khởi hành và điểm đến, sau đó sẽ phải cách ly.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, những công dân Mỹ đã được tiêm chủng vaccine Covid-19 có thể tới châu Âu trong mùa Hè này, qua đó nới lỏng những hạn chế đi lại hiện hành.

Theo Chủ tịch EC, biện pháp này sẽ giúp tạo ra sự tự do đi lại và du lịch tới EU, dù không cho biết, cụ thể khi nào hoạt động này sẽ được nối lại.

Từ hơn 1 năm qua, EU đã hạn chế phần lớn các hoạt động đi lại không cần thiết. Tuy nhiên, trong tháng 4 này, các nước EU đã nhất trí nới lỏng hạn chế, cho phép những người đã được chủng ngừa, khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính được đi lại dễ dàng hơn.

Nguồn TG&VN