Bỏ qua việc đơn giản, người đàn ông 39 tuổi qua đời vì đột quỵ

TS Đào Việt Phương, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung tâm vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 39 tuổi, ở Hưng Yên bị đột quỵ xuất huyết não rất nặng và đã tử vong.

Gia đình cho biết, bệnh nhân vốn có tiền sử khỏe mạnh, làm nghề tự do. Buổi trưa trước giờ ăn cơm, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, được chuyển vào bệnh viện tuyến dưới cấp cứu.

18h cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, glasgow 3 điểm (người bình thường 15 điểm), huyết áp lên tới 230/130 mmHg, hình ảnh CT não phát hiện chảy máu não lớn. Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ chảy máu não.

“Chúng ta có thể hình dung chảy máu não giống như vỡ đê. Nếu rò rỉ nhỏ có thể đắp bờ, be bao cát nhưng nếu lũ to, nước chảy ồ ạt thì không thể làm được gì”, TS Phương chia sẻ.

Bệnh nhân đột quỵ chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu chiều 12/1. Ảnh: T.Hạnh

Với trường hợp này, các bác sĩ đã cấp cứu tích cực suốt 8 giờ nhưng tiên lượng khó qua khỏi, gia đình sau đó đã xin về tử vong tại nhà.

Theo TS Phương, bệnh nhân có thể mắc tăng huyết áp nhưng chưa từng khám sức khỏe nên không phát hiện ra.

Huyết áp tăng cao 230/130 khiến thành mạch quá sức chiu đựng, vỡ gây xuất huyết não, ngoài ra có thể gây suy tim cấp, phù phổi cấp.

TS Phương cho biết, bệnh nhân trên chỉ là một trong số rất nhiều người trẻ mắc đột quỵ được chuyển đến trung tâm. Trong hơn 2.000 bệnh nhân nhập viện 2 tháng qua, có khoảng 10% là người trẻ dưới 44 tuổi, bệnh nhân trẻ nhất mới 14 tuổi, nhiều trường hợp 18-20 tuổi. Ở người trẻ, hầu hết là đột quỵ chảy máu não.

Theo nghiên cứu của trung tâm, phần lớn người trẻ bị đột quy do có bất thường mạch não như dị dạng, phình mạch não. Một số khác có sử dụng chất kích thích, yếu tố di truyền kèm theo.

Dị dạng mạch máu não thường do bẩm sinh hoặc hình thành sau nhiều năm. Sự phát triển bất thường của mạch máu não có thể gây nên những túi phình – với thành mạch máu mỏng, là nguyên nhân có thể gây xuất huyết não hoặc mạch máu có thể bị bóc tách gây hẹp, tắc mạch – nhồi máu não.

Đa số dị dạng mạch máu não không có triệu chứng, rất nhiều trường hợp phát hiện ra khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc thăm khám điều trị bệnh khác. Một số ít có biểu hiện đau đầu tái diễn trước khi vỡ.

Khi bị vỡ dị dạng mạch não, các triệu chứng khá ồ ạt với biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, có thể rối loạn ý thức, liệt nửa người... Một số trường hợp có thể đột tử trước khi đến viện.

Dị dạng mạch não gồm nhiều loại với nhiều vị trí, kích thước, tùy từng ca cụ thể bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp khác nhau.

Ngoài ra, do lối sống thay đổi, làm việc căng thẳng, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, lạm dụng rượu bia, lười vận động, béo phì, tăng huyết áp… nên người trẻ cũng phải đối mặt nguy cơ xơ vữa mạch máu như người già, là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Đáng lưu ý, phần lớn người trẻ nhập viện muộn do chủ quan, không biết các dấu hiệu đột quỵ và không nghĩ đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ, làm mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. Trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là não, tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy.

Để phát hiện sớm đột quỵ, TS Phương lưu ý 5 dấu hiệu:

Thứ nhất, đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể).

Thứ hai, đột ngột mất ngôn ngữ, giọng bị méo hoặc nói khó.

Thứ ba, thị lực một bên đột ngột bị mất.

Thứ tư, đau đầu dữ dội.

Thứ năm, cơ thể mất thăng bằng, chóng mặt.

Nếu bất cứ ai có bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển người bệnh an toàn tới bệnh viện gần nhất.


Nguồn: SKĐS