Bé gái thèm ăn tóc, tắc ruột vì hội chứng 'công chúa tóc mây'
Đau bụng quặn thành từng cơn, bé gái được gia đình đưa đến bệnh viện thì được bác sĩ chẩn đoán bị tắc ruột. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do hội chứng 'công chúa tóc mây' khiến bệnh nhi liên tục ăn tóc.
Ngày 25/5, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM cho biết tại đây đang điều trị cho một trường hợp bị tắc ruột hiếm gặp. Bệnh nhi là bé gái 5 tuổi được gia đình chuyển đến trong tình trạng bị đau bụng quặn theo cơn, đau âm ỉ trong khoảng 5 ngày trước nhập viện.
Khi nhập viện, diễn tiến bệnh trở nặng, trẻ bị đau bụng cơn dữ dội hơn, bí trung đại tiện kèm theo ói dịch xanh nhiều. BS Hồ Trần Bản, Trưởng kíp trực ngoại cùng các cộng sự chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột nghi do búi tóc (trichobezoar) và chỉ định phẫu thuật khẩn cấp.
Trẻ ăn tóc của mình hoặc ăn tóc của người khác, lâu ngày sẽ đóng thành khối trong đường ruột
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ đã lấy ra từ dạ dày, ruột non của bệnh nhân búi tóc lớn đã gây tắc gần như hoàn toàn đường ruột. Sau phẫu thuật, bệnh nhi đã được chăm sóc theo dõi sát, tình hình sức khỏe đang dần bình phục.
Từ trường hợp trên TS.BS Trần Quốc Việt, phòng Chỉ đạo tuyến BV Nhi đồng 2 cho biết, tình trạng tắc ruột của bé xuất phát từ hội chứng Rapunzel (Rapunzel syndrome); còn được gọi là hội chứng “công chúa tóc mây” dựa theo nhân vật hư cấu trong truyện với mái tóc dài của cô công chúa.
Hội chứng này là một vấn đề rất đáng lưu ý và gây ra biến chứng tắc ruột rất nguy hiểm. Người bệnh bị hội chứng “công chúa tóc mây” sẽ có xu hướng thèm ăn tóc (trichophagia). Tóc sẽ không thể tiêu hóa như thực phẩm khi dung nạp, dẫn đến tích tụ thành búi trong dạ dày hoặc trong ruột non và có thể kèm theo đuôi tóc dài nằm dọc trong lòng ruột.
Búi tóc lớn được bác sĩ lấy ra từ dạ dày và ruột non của bệnh nhi
Hội chứng trên tương đối hiếm gặp, tuy nhiên, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận các trường hợp tương tự và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Những trường hợp mắc hội chứng trên thường có các vấn đề về tâm lý, do đó ngoài việc điều trị, trẻ cần được hỗ trợ tâm lý và sự quan tâm nhiều hơn từ phía gia đình.
Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên quan sát kỹ lưỡng khi chăm sóc trẻ để phát hiện sớm tình trạng ăn tóc ở trẻ. Những bệnh nhi có xu hướng ăn tóc của chính mình thường hay bứt tóc ở vùng trán, thái dương 2 bên khiến tóc không mọc dài được. Khi phát hiện dấu hiệu trên, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ, hạn chế hành vi nuốt tóc và nâng đỡ tinh thần cho con.
Nguồn: https://tienphong.vn/be-gai-them-an-toc-tac-ruot-vi-hoi-chung-cong-chua-toc-may-post1441019.tpo