Dâng mẹt tam sên cầu kỳ cúng Thần Tài

Thay vì cúng xôi chè, hoa quả, trong ngày vía Thần Tài năm nay nhiều người dâng mẹt tam sên có thêm tôm hùm, cua, hy vọng "đắc tài lộc" hơn năm cũ.

Chị Minh Hoa, 45 tuổi, chủ một quán cắt tóc ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trước đây, chị thường tự chuẩn bị mâm cúng ngày vía Thần Tài với vật phẩm đơn giản, nhưng gần đây được bạn bè mách "phải mâm cao cỗ đầy" nguyện ước mới sớm thành hiện thực.

Một ngày trước lễ, Hoa quyết định đặt mẹt cúng tam sên giá gần một triệu đồng, gồm xôi gấc, ba quả trứng, ba con tôm hùm, ba con cua Cà Mau, thịt lợn ba chỉ quay và bánh bao hình hũ vàng.

"Tự tìm hiểu và nghe người bán hàng tư vấn tôi mới biết mẹt cúng tam sên phải hài hòa giữa các yếu tố Thổ - Thủy - Thiên, cầu mong sự đủ đầy, thịnh vượng", Hoa giải thích.

Bà chủ tiệm tóc cho biết thêm, thịt ba chỉ đại diện cho sinh vật sống trên mặt đất (Thổ), tôm cua biểu trưng cho sinh vật sống dưới nước (Thủy), trong khi trứng sẽ đại diện cho trời (Thiên). Mẹt cúng phải đầy đủ ba yếu tố trên, được bày biện đẹp mắt thì mới thể hiện sự thành kính của gia chủ với thần linh, cầu mong tài lộc.

Nhẩm tính tự chuẩn bị có thể sẽ đắt hơn, chị Hoa đặt mâm cúng, vừa thuận tiện, lại không phải mất thời gian đi chợ sớm. Theo quan niệm mâm cúng Thần Tài nên được dâng vào giờ Mão (5-7h sáng), giờ Tỵ (9-11h sáng) và giờ Thân (3-5h chiều).

Mâm cúng tam sên có giá 400.000 đồng của chị Tâm Anh phục vụ khách trong ngày vía Thần Tài. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mâm cúng tam sên có giá 400.000 đồng của chị Tâm Anh phục vụ khách trong ngày vía Thần Tài năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vốn đề cao chuyện lễ bái, mẹt cúng Thần Tài của anh Quốc Bảo, 40 tuổi, chủ công ty cung cấp dầu nhớt ở Hải Phòng mỗi năm mỗi khác.

5 năm trước, cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng anh sẽ mua một chỉ vàng, sau tự chuẩn bị mâm hoa quả, xôi chè để cúng. "Mấy năm trước tôi chỉ cúng tôm sú, thêm khoanh giò với đĩa xôi thì nay thay bằng tôm hùm Alaska, cua Cà Mau loại to, bánh bao kim sa được tạo hình, xôi gấc in chữ Lộc. Ngoài ra còn đặt thêm cả bánh kem hình hũ vàng dâng lên ban, không chỉ đẹp mà còn khiến mâm cúng thêm đầy đặn", anh Bảo nói.

Anh cũng cho biết nhìn người khác dâng mâm cao cỗ đầy, gia đình mình lại đơn sơ sợ thiếu thành tâm, nên mâm cúng qua từng năm chỉ thêm chứ không bớt.

Khảo sát  gần một tuần trước ngày 10 tháng Giêng, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội liên tục chia sẻ các bài nhận làm mâm cúng đủ bộ tam sên với thịt lợn, trứng, tôm, cua, xôi, hoa quả, bánh kẹo... nhằm cầu tài lộc, may mắn. Nhiều đơn vị nấu cỗ, cửa hàng kinh doanh hải sản cũng chào mời mâm lễ giá từ 300.000 đồng đến gần 2 triệu đồng, tùy nhu cầu.

Chị Tâm Anh, chủ cửa hàng bán đồ ăn trực tuyến ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết các món cúng ngày Thần Tài đa dạng từ chay đến mặn. 5 năm gần đây khách hàng có xu hướng chọn các món ăn sang trọng, đắt tiền hơn.

"Mọi năm cửa hàng tôi chỉ nhận đơn đặt đến ngày mùng 8, hai ngày còn lại bắt đầu trả đơn. Giá mỗi mẹt dao động 400.000-500.000 đồng. Tuy nhiên năm nay kinh tế khó khăn, giá thành có giảm nhẹ để phù hợp với túi tiền của nhiều người", chị nói.

Nhiều chủ dịch vụ chuyên cung cấp mẹt cúng tam sên cũng cho biết chỉ nhận đơn đặt hàng trước để chuẩn bị tôm, cua tươi sống. Các mâm cúng sau khi hoàn thành được bày biện đẹp mắt, quấn màng bọc thực phẩm kỹ càng để giao đến tay khách hàng, tránh bị méo móp, xô đẩy.

Mẫu bánh kem hũ vàng tài lộc giá 300.000 đồng của Thùy Dương thực hiện trong ngày Thần Tài. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mẫu bánh kem hũ vàng tài lộc giá 300.000 đồng của Thùy Dương cung cấp trong ngày Thần Tài năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài dịch vụ làm mẹt cúng, nhiều cửa hàng cũng giới thiệu các kích cỡ bánh kem hũ vàng khác nhau, dao động 300.000- 600.000 đồng. Thùy Dương, chủ tiệm làm bánh ở quận Ba Đình, Hà Nội, cho hay loại bánh này được nhiều khách lựa chọn trong ngày vía Thần Tài.

"Ngày nay mọi người thường thích bày biện đồ cúng có hình thức đẹp, cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể 'thụ lộc' nên bánh kem hũ vàng trở nên thông dụng", Dương nói. Tuy nhiên do mất thời gian chuẩn bị nên cửa hàng chỉ giới hạn đơn nhằm cung cấp sản phẩm tốt nhất.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cho biết tục thờ Thần Tài cổ xưa nhất được ghi chép là thờ Ngũ phương thổ thần, định hình từ thời Hán ở Trung Quốc vào ngày mùng 2 Tết, còn ở phương Nam vào mùng 5 Tết. Tập quán này kéo dài và nhất quán đến cuối thập niên 90 của thế kỷ 20.

"Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 20, do ảnh hưởng của 'kinh tế văn hóa', một số điển tích, truyền thuyết dân gian bị suy diễn, biến tướng và gán ghép. Điển hình nhất là ngày vía Thần Tài", ông Hải nói.

Theo vị chuyên gia, từ ý nghĩa nhân văn ban đầu của tập quán là tạ ơn và cầu mong các vị thần bảo hộ cho đời sống con người nhưng giờ bị chuyển thành cầu tài cầu lợi, "đút lót" các thần để mong làm giàu, lợi dụng triệt để lòng tham của con người.

Ông Hải cho hay, lễ vật thờ cúng nói chung và cúng Thần Tài nói riêng vốn là những sản phẩm quý nhất của gia đình, không có quy định cụ thể, bởi nó thể hiện quan niệm của người cúng và điều kiện tự nhiên, kinh tế của địa phương. Những lễ vật đó đều mang tính tượng trưng, làm ra được gì thì cúng cái đó, làm nghề gì thì cúng sản vật đó, quan trọng nhất là lòng biết ơn. Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển và mục đích cầu lợi, người ta mới bày biện thêm nhiều vật phẩm cúng lễ.

Theo vị chuyên gia, tập quán dân gian vốn không quy định cụ thể về nghi thức và lễ vật, tốt nhất nên tuân theo quan niệm cổ điển. Cốt lõi có hương đăng, phẩm quả, rượu nước, gạo muối... có gì cúng đó. Tùy vào điều kiện bản thân, gia đình mà sắm lễ, không nên chạy theo số đông bởi thành tâm là quan trọng nhất.

Nhiều năm mở cửa hàng buôn bán nội thất ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, anh Chính Hưng, 35 tuổi chỉ làm mâm cúng ban Thần Tài gồm hoa quả để báo cáo kết quả làm việc năm cũ, cầu may mắn cho năm mới.

"Lễ bái thế nào cũng không quan trọng bằng sự nỗ lực của bản thân. Mâm cao cỗ đầy mà đạt được mong muốn thì ai cũng sẽ làm", Hưng nói.

Nguồn: vnexpress