Thế hệ Millennial trầm cảm vì tiền bạc

Thế hệ Millenial đang trong giai đoạn vô cùng bất ổn về tài chính, một số lo ngại về tiền bạc tới mức trầm cảm và không thể ngủ nổi.

Đây là kết quả nghiên cứu năm 2023 của công ty dịch vụ tài chính Northwestern Mutual (Mỹ). Theo đó, tình trạng bất ổn tài chính "đang tăng lên với Gen Z (sinh từ 1997 đến 2012), đạt đỉnh với Millenial (1981-1996) và bắt đầu giảm dần với Gen X (1965-1980), thấp nhất với Boomer (1946-1964)".

Trung bình 36% người Mỹ cho biết họ lo lắng đến mất ngủ ít nhất một lần mỗi tháng, tỷ lệ này với Gen Z là 44% và Millennial là 53%. Khoảng 54% Millennial tiết lộ lo lắng tài chính làm họ trầm cảm, so với 47% của Gen Z và 20% Boomer.

54% Millennial tiết lộ lo lắng tài chính làm họ trầm cảm. Ảnh: Fortune

54% Millennial tiết lộ lo lắng tài chính làm họ trầm cảm. Ảnh: Fortune

Theo Northwestern Mutual, có nhiều lý do Millenial cảm thấy như vậy, từ việc phải gánh vác các khoản nợ lớn cho đến trải qua hai cuộc suy thoái. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng các cảm giác này tương đối bình thường và tuân theo "vòng cung lo lắng" tự nhiên.

Tim Gerend, Giám đốc Northwestern Mutual, chia sẻ khi nghĩ về quỹ đạo cuộc sống, có rất nhiều điều không chắc chắn vào thời điểm mọi người bắt đầu sự nghiệp. Những người ở độ tuổi 30 và 40 chứa đầy các cột mốc tài chính, từ mua nhà cho đến lên kế hoạch cho con cái. Sang đến nửa sau của cuộc đời, khi mọi thứ ổn định hơn, mọi người sẽ cảm thấy an toàn hơn với tài chính của họ.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại cũng đặt ra những thách thức độc nhất vô nhị, bao gồm sự bất ổn của thời kỳ hậu Covid và lạm phát cao, tác động đến các chi phí quan trọng như nhà ở. Các báo cáo gần đây cho thấy người trẻ thể hiện mức độ bất an và căng thẳng về tình hình tài chính ngày càng tăng so với các năm trước.

"Đại dịch Covid-19 đã làm rung chuyển kinh tế khi Gen Z bước vào tuổi trưởng thành", Charlie Pastor, một nhà hoạch định tài chính nhận xét. Họ đã chứng kiến nhiều biến động kinh tế chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Khi giá cả đắt đỏ ảnh hưởng đến mọi thế hệ, những người trẻ hơn có ít thời gian để tích lũy và theo đuổi kế hoạch tài chính. Thế hệ Millennial tiết kiệm được ít hơn so với những người đi trước do nhiều yếu tố phát sinh từ cuộc Đại suy thoái và sau đó là thất nghiệp hậu Covid-19. Dù có trình độ học vấn cao hơn thế hệ trước, họ phải gánh nhiều khoản nợ hơn, lùi các mục tiêu tài chính như mua nhà.

Ngay cả những Millennial thu nhập cao cũng gặp khó khăn. Theo báo cáo Read on Retirement 2023 của tập đoàn quản lý đầu tư BlackRock, tỷ lệ người lao động không cảm thấy tự tin rằng có thể nghỉ hưu như kế hoạch đã tăng gấp đôi từ năm 2021. Trong đó, người trẻ kém tự tin nhất.

Suzanne Schmitt, Giám đốc bộ phận chăm sóc sức khỏe tài chính tại công ty bảo hiểm New York Life, nhận xét Millennial và Gen Z lớn lên giữa những bất ổn tài chính và toàn cầu. Hai nhóm này chứng kiến những thay đổi kinh tế trong các năm tháng trưởng thành và có thể ngại rủi ro hơn khi nói đến thói quen tài chính so với thế hệ trước.

Bất an tài chính gây tác động tiêu cực đến sức khỏe nói chung của một người, bao gồm sức khỏe tinh thần và thể chất. Để đối phó với điều này, các chuyên gia khuyến nghị nên đón nhận cảm xúc của mình thông qua trị liệu, viết nhật ký hoặc trò chuyện với một người bạn khác, cũng như đối mặt với ngân sách thực tế.

Dù vậy, nhiều báo cáo cho thấy thế hệ trẻ đã bắt đầu tiết kiệm và đầu tư sớm hơn, giúp họ xây dựng được lưới an toàn đáng kể theo thời gian. Theo Pastor, điều quan trọng lúc này là Gen Z cần chăm chỉ và tập trung vào dài hạn khi tiết kiệm và đầu tư.

Nguồn: Vnexpress