Nét riêng trong sáng tác của tác giả nữ Bắc Kạn

Tác giả Tô Hường và học sinh.

Tác giả Tô Hường là cái tên quen thuộc trong Văn học nghệ thuật tỉnh, chị hiện nay đang là giáo viên tại Trường Tiểu học Đôn Phong (Bạch Thông). Được biết đến với nhiều sáng tác đa dạng về chủ đề và thể loại, bằng đam mê và tình yêu đặc biệt với văn học nghệ thuật, ở thể loại nào chị cũng có những sáng tác ấn tượng. Là giáo viên gắn bó với học sinh vùng cao nhiều năm liền, không lạ khi nhắc đến Tô Hường nhiều người nhớ về những bài thơ, truyện ngắn thiếu nhi.

Với đặc thù công việc, tiếp xúc và trò chuyện với các em nhỏ thường xuyên nên sáng tác của Tô Hường thường có nội dung đơn giản, ngôn ngữ trong trẻo phù hợp với mọi lứa tuổi. Thông qua những truyện ngắn như: Hoa lan đỏ, Đi học… người đọc sẽ hào hứng trải nghiệm cùng nhân vật, đồng thời thấy hình ảnh ấu thơ của chính mình ở những ký ức thân thương. Đặc biệt hơn, sáng tác của Tô Hường còn mang đến những thông tin thú vị về văn hóa các dân tộc, bằng sự khéo léo và tài tình, chị đã đưa những nét đặc sắc về văn hóa của các dân tộc Mông, Dao, Tày… vào tác phẩm. Đến với các bài thơ như: Mặt trời tri thức tuổi thơ; Mẹ là cô giáo… bạn đọc không chỉ ấn tượng bởi những thông điệp nhân văn mà còn nhớ mãi hình ảnh về trang phục dân tộc, hoa văn trang trí, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ với Văn học, Tô Hường còn có niềm đam mê với Mỹ thuật, những bức tranh của chị luôn có màu sắc rực rỡ, tươi sáng và tràn ngập hy vọng. Gắn bó với Văn học nghệ thuật đã nhiều năm, nữ tác giả Tô Hường luôn dành thời gian sáng tác và tiếp tục cho ra đời những tác phẩm chất lượng, nhờ đó, chị đã có nhiều giải thưởng, đồng thời để lại dấu ấn riêng trong vườn hoa Văn học nghệ thuật.

Sương Thu là bút danh mới xuất hiện những năm gần đây nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người yêu Văn học tỉnh ta. Tác giả Sương Thu tên thật là Hà Thị Thu, hiện đang là giáo viên tại huyện Pác Nặm. Sáng tác của Sương Thu thường gắn liền với người phụ nữ. Bằng trái tim đồng cảm và ngôn ngữ đa dạng, chị đã đem đến cho độc giả hình ảnh người phụ nữ đảm đang, khéo léo, hiền lành nhưng lại luôn chịu những thiệt thòi, khổ đau. Những câu truyện của Sương Thu luôn mềm mại, man mác buồn và để lại trong tâm tư người đọc nỗi xót xa, cảm thông cho nhân vật. Với nhiều độc giả, cốt truyện mà Sương Thu lựa chọn có thể chưa thật sự mới lạ, nhưng giọng văn trầm bổng cùng ngôn ngữ trau chuốt, đa dạng chính là dấu ấn riêng biệt không thể quên. Điều đó được thể hiện ở các truyện ngắn như: Đầu sàn sương trắng rơi; Ánh trăng mờ sương… và trong những câu thơ:

“Gọi lúa xanh trên nương
Bàn chân em vội vã
Gió trong thung đi hoang đến cửa nhà trời
Xà tích kêu rung mềm chín bậc thang

Giữa sàn nhà
Ông quan làng đến thưa chuyện ngày mai
làm dâu xứ người
Vấp mấy lần bậu cửa
Người ơi
Sao anh chưa tới? “
(Từ ngực núi hoa - Sương Thu)

Nhắc đến văn nghệ sĩ nữ Bắc Kạn, nhiều người nhớ đến Phùng Thị Hương Ly, tác giả trẻ với những tác phẩm thơ đặc sắc. Hương Ly lựa chọn chủ đề sáng tác đa dạng, dù viết về gia đình, tình yêu đôi lứa hay ca ngợi quê hương, đất nước đều thể hiện được nét riêng. Thông qua những bài thơ, tác giả đã thể hiện tâm tư, tình cảm của mình trong từng câu chữ. Với những người yêu thơ của Hương Ly, ngoài sự đồng điệu ở cảm xúc thì ngôn ngữ mà tác giả lựa chọn cũng là một nét thu hút đặc biệt. Có thể nói, sự xuất hiện của Hương Ly đã thổi một làn gió mới cho Văn học tỉnh ta, thơ của chị vừa gần gũi, thân thuộc lại vừa trong trẻo, ngân nga lại vừa mang hơi hướng thơ hiện đại.

Ngoài những tác giả kể trên, còn có sự xuất hiện của các văn nghệ sĩ nữ như: Hoàng Thị Điềm; Muồng Hoàng Yến… Đây đều là những cây bút tiêu biểu, đặc sắc và có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền Văn học nghệ thuật tỉnh nhà.


Nguồn: Báo Văn Hiến